SO SÁNH NGÀNH KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ NGÀNH KINH DOANH QUỐC TẾ
1. Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế là gì?
Kinh tế quốc tế nghiên cứu sự tác động qua lại lẫn nhau về mặt kinh tế giữa các quốc gia có chủ quyền trên thế giới, phân tích dòng vận động của hàng hoá, dịch vụ và các giao dịch tiền tệ giữa các quốc gia trong nền kinh tế thế giới, những chính sách định hướng cho các dòng vận động này và ảnh hưởng của chúng đến phúc lợi của quốc gia.
Kinh doanh quốc tế nghiên cứu toàn bộ các giao dịch kinh doanh vượt qua biên giới của hai hay nhiều quốc gia.
=> Kinh tế quốc tế nghiên cứu ở tầm vĩ mô, nghiêng về góc độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế đối ngoại. Kinh doanh quốc tế nghiên cứu ở tầm vi mô, nghiêng về các hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài của doanh nghiệp.
2. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế của các trường đại học có thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có thể kể đến những môn chuyên ngành tiêu biểu dưới đây:
Ngành Kinh tế quốc tế: Kinh tế quốc tế, Chính sách kinh tế đối ngoại, Nền kinh tế thế giới, Hội nhập kinh tế quốc tế, Đàm phán kinh tế quốc tế, Kinh tế ASEAN, Chính sách quản lý công ty đa quốc gia, Tiếng Anh chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế.
Ngành Kinh doanh quốc tế: Kinh doanh quốc tế, Marketing quốc tế, Nghiệp vụ ngoại thương, Quản trị chuỗi cung ứng quốc tế, Chiến lược kinh doanh toàn cầu, Quản trị doanh nghiệp FDI, Tiếng Anh chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế.
3. Cơ hội việc làm
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế đều được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp và cạnh tranh cao với khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp hai ngành này có thể làm công việc thay thế cho nhau một cách tương đối. Hơn nữa, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao tạo ra cơ hội việc làm không giới hạn cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Cử nhân Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, các cơ quan đại diện thương mại, đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
4. Một số trường đào tạo ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế
Hiện nay, có không ít trường đào tạo ngành Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế, nhưng điểm chuẩn của hai ngành đều khá cao, gần như cao nhất trong khối kinh tế. Dưới đây là một số trường các em có thể tham khảo:
Tại Hà Nội:
Đại học Kinh tế Quốc dân
Đại học Ngoại thương
Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội
Đại học Thương mại
Học viện Ngân hàng

Tại TP.HCM:
Đại học Ngoại thương (cơ sở 2)
Đại học Kinh tế TP.HCM
Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM
Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Ngân hàng TP.HCM
Đại học Tài chính Marketing